THÔNG TIN T.HÌNH KT-XH
    Bản in     Gởi bài viết  
[THÔNG CÁO BÁO CHÍ] Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 
           I. Những thuận lợi và khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2021

           Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Về thuận lợi: Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song Chính phủ đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, qua đó hạn chế tác động đến đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế trong nước có sự phục hồi khá tốt; Quảng Bình làm tốt công tác phòng chống dịch nên thuận lợi cho phát triển kinh tế. Về khó khăn: hậu quả nặng nề của lũ lụt năm 2020, dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xảy ra ở hầu hết các địa phương, giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19,… Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã có những giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp; cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nên kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực, đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn 6 tháng đầu năm 2020, trồng trọt được mùa toàn diện, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, ngăn chặn được tình trạng sốt đất, đẩy lùi nhiều tệ nạn xã hội, công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định.

II. Kết quả đạt được

1. Tăng trưởng kinh tế

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 12.441,1 tỷ đồng, tăng 5,65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.592,9 tỷ đồng, tăng 4,44%, đóng góp 0,94 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3.007,0 tỷ đồng, tăng 7,84%, đóng góp 1,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt 6.335,9 tỷ đồng, tăng 5,21%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 505,2 tỷ đồng, tăng 4,63% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,19 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay thấp hơn so với kế hoạch cả năm, nhưng cao hơn tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020. Trong điều kiện dịch Covid-19 trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt 5,65% là kết quả tích cực. Trong 3 khu vực của nền kinh tế, tất cả đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Sáu tháng đầu năm 2021, sản xuất trồng trọt được mùa, sản lượng thủy sản tăng khá nhờ thời tiết thuận lợi, năng lực đánh bắt được tăng cường nên tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao, với mức tăng 4,44%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng: Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 sản xuất ổn định, tuy nhiên do không có dự án lớn đi vào hoạt động nên tăng trưởng không cao, đạt 5,9%. Tăng trưởng của khu vực này có sự đóng góp lớn của ngành xây dựng, với mức tăng 9,68%; ngành xây dựng 6 tháng có mức tăng khá cao nhờ một số công trình lớn đang được triển khai, hộ gia đình xây nhà ở khá nhiều. Tính chung khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,84%.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sáu tháng đầu năm nay dịch Covid-19 trong cả nước diễn biến phức tạp hơn 6 tháng đầu năm 2020, nhưng nhờ Chính phủ có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch nên đã hạn chế tác động đến sản xuất - kinh doanh của cả nước nói chung và của Quảng Bình nói riêng. Sáu tháng đầu năm 2021, căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch trên địa bàn, UBND tỉnh đã có những giải pháp phù hợp, linh hoạt, không thực hiện giãn cách xã hội nên phần lớn các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, nhờ đó khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng khá. Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, bao gồm vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành và một số dịch vụ khác. Sáu tháng đầu năm 2021 khu vực dịch vụ tăng 5,21%.

GRDP 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành đạt 21.598,4 tỷ đồng, trong đó nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 4.998,7 tỷ đồng, chiếm 23,14%; công nghiệp - xây dựng đạt 4.956,5 tỷ đồng, chiếm 22,95%; dịch vụ đạt 10.770,5 tỷ đồng, chiếm 49,87%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 872,7 tỷ đồng, chiếm 4,04%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù có nhiều tác động tiêu cực như dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò nhưng nhờ trồng trọt được mùa nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tính giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 5.046,7 tỷ đồng, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 3.467,9 tỷ đồng, tăng 3,45%; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 305,3 tỷ đồng, tăng 3,38%; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 1.273,6 tỷ đồng, tăng 7,94% so với cùng kỳ năm trước.

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Sản xuất cây hàng năm

Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 55.039,7 ha, so với vụ Đông Xuân năm trước tăng 1,2%. Diện tích theo nhóm cây: Cây lúa 29.594,8 ha, bằng năm trước; cây ngô và cây lương thực có hạt khác 4.153,5 ha, tăng 8,6%; cây lấy củ có chất bột 9.435,1 ha, tăng 1,7%; cây thuốc lá, thuốc lào 2,2 ha, giảm 21,4%; cây có hạt chứa dầu 3.805,1 ha, giảm 2,6%; cây rau, đậu các loại và hoa 4.882,8 ha, giảm 0,5%; cây hàng năm khác 2.704,3 ha, tăng 1,7% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Năng suất một số cây trồng hàng năm vụ Đông Xuân: Cây lúa đạt 64,10 tạ/ha, tăng 3,6%; cây ngô đạt 60,53 t/ha, tăng 5,6%; cây khoai lang 79,25 t/ha, tăng 1,1%; dong giềng đạt 34,08 tạ/ha, giảm 1,9%; cây lạc đạt 23,74 t/ha, tăng 0,5%; cây vừng đạt 6,58 tạ/ha, tăng 2,2%; cây rau các loại đạt 110,06 t/ha, tăng 4,2%; đậu, đỗ các loại đạt 8,96 tạ/ha, tăng 1,8%; ớt cay đạt 16,66 tạ/ha, tăng 4,0% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Sn lượng lương thc đạt 214.593,4 tn, tăng 4,8% so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó: Sản lượng thóc 189.713,4 tấn, tăng 3,6%; sản lượng lương thực khác 24.880,0 tấn, tăng 14,7% so với vụ Đông Xuân năm trước.

+ Sản xuất cây lâu năm

Nhìn chung, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, nhưng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm cho người dân khó khăn trong việc chăm sóc, tiêu thụ, nên diện tích cây lâu năm 6 tháng đầu năm nay có giảm so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo kiểm tra, soát xét lại diện tích tiếp tục chăm sóc và có sự chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao, triển khai trồng mới một số cây có hiệu quả, phù hợp điều kiện thời tiết.

Diện tích cây lâu năm hiện có 18.366,0 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Diện tích cây lâu năm chia theo các nhóm cây như sau: Cây ăn quả 4.063,7 ha, giảm 1,7%; cây hồ tiêu 1.143,6 ha, tăng 0,01%; cây cao su 12.683,2 ha, giảm 1,5%; cây gia vị, dược liệu lâu năm 89,5 ha, tăng 0,3%; cây lâu năm khác 165,4 ha, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng một số cây trồng chủ yếu 6 tháng đầu năm 2021: Cao su 3.305 tấn, tăng 0,9%; hồ tiêu 1.050 tấn, tăng 4,8%; chuối 8.705,1 tấn, tăng 2,3%; dứa 470,2 tấn, tăng 6,3%; mít 1.268,8 tấn, tăng 22,9%.

- Chăn nuôi

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện từ tháng 2/2021 đã gây ảnh hưởng đến việc phát triển đàn trâu, bò. Dịch tả lợn châu Phi đến nay cơ bản đã được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ, sản xuất chăn nuôi lợn đã dần khôi phục. Chăn nuôi gia cầm vẫn phát triển ổn định, đàn gà nuôi tập trung tăng cao tại các trang trại, gia trại nhằm đáp ứng thực phẩm tiêu dùng và duy trì sản xuất kinh doanh.

Sản lượng sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 39.843 tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thịt trâu hơi 1.160 tấn, giảm 4,5%; thịt bò hơi 4.558 tấn, tăng 11,1%; thịt lợn hơi 21.666 tấn, giảm 3,9%; thịt gia cầm 12.459 tấn, tăng 6,5%. Riêng thịt gà 9.480 tấn, tăng 7,1% so với 6 tháng đầu năm 2020.

b. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Công tác trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, chăm sóc rừng trồng triển khai đúng kế hoạch. Công tác giao khoán bảo vệ, phục hồi vốn rừng, làm giàu rừng được chú trọng. Khai thác gỗ từ rừng trồng và các lâm sản khác được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ.

Ước tính một số chỉ tiêu thực hiện 6 tháng đầu năm: Sản lượng gỗ khai thác 210.000 m3, tăng 2,4%; sản lượng củi khai thác 135.715 ste, tăng 1,2%; diện tích rừng trồng mới tập trung 3.521,9 ha, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước.

Sáu tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy với tổng diện tích thiệt hại là 21 ha rừng trồng.

c. Thủy sản

Sáu tháng đầu năm 2021, thời tiết khá thuận lợi nên hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt khá. Tàu thuyền tích cực ra khơi, số ngày hoạt động nhiều hơn nên sản lượng thuỷ hải sản tăng cao so với cùng kỳ. Nuôi trồng thủy sản được đa dạng hóa về sản phẩm, không có dịch bệnh xảy ra, nuôi cá lồng bè phát triển trở lại, nuôi cá nước ngọt, cá kết hợp lúa ngày càng được mở rộng nên sản lượng tăng.

Ước tính sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 42.382,5 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 38.119,0 tấn, tăng 7,9%; sản lượng nuôi trồng thu hoạch 4.263,5 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

3. Sản xuất công nghiệp

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể duy trì sản xuất ổn định.

Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6.546,6 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng đạt tăng 6,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,6%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,0% so với cùng kỳ (thực hiện cùng kỳ tăng 5,1%). Trong đó, ngành khai khoáng tăng 5,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2021: Cá đông lạnh đạt 916 tấn, tăng 99,6%; ván ép từ gỗ đạt 35.031 m3, tăng 43,7%; sản phẩm tinh bột sắn đạt 5.160 tấn, tăng 48,0%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 173,8 triệu viên, tăng 19,5%; đá xây dựng đạt 1,7 triệu m3, tăng 6,9%; xi măng đạt 831,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; áo sơ mi đạt 6,5 triệu cái, tăng 5,2%; clinker thành phẩm đạt 1,8 triệu tấn, tăng 4,7%; phân khoáng, phân NPK đạt 19.032 tấn, tăng 4,0%; thức ăn cho thủy sản đạt 1.196 tấn, tăng 2,7%. Bên cạnh đó, do tình hình tiêu thụ khó khăn nên sản lượng một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ, cụ thể: Cao lanh đạt 31.079 tấn, giảm 1,3%; dăm gỗ đạt 158.027 tấn, giảm 10,9%; cao su tổng hợp và cao su tự nhiên đạt 225 tấn, giảm 13,1%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm trước.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm và đạt kết quả khá tích cực. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021 cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 312 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 5.912 tỷ đồng. Ước tính đến hết tháng 6 năm 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.252 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 88.362 tỷ đồng.

5. Hoạt động thương mại, dịch vụ

Sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh không thực hiện giãn cách xã hội nên phần lớn các hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản diễn diễn ra bình thường, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây lan dịch Covid -19 phải tạm dừng hoạt động trong những thời điểm dịch có nguy cơ lây lan cao.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 21.322,4 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 14,2 % so với cùng kỳ). Trong đó: Nhóm xăng, dầu các loại tăng cao nhất, 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 1.976,1 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ.

- Vận tải và viễn thông

Ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra tác động tiêu cực đến hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách. Lưu thông hành khách liên tỉnh bị hạn chế, hoạt động du lịch lữ hành bị sụt giảm làm cho vận tải hành khách bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế dần được đẩy mạnh, kết quả hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả khá cao so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng doanh thu vận tải và doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2.053,5 tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hành khách vận chuyển 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 13,5 triệu hành khách, tăng 6,9%. Tổng số hành khách luân chuyển ước tính đạt 624,3 triệu hành khách.km, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính 6 tháng đầu năm 2021 đạt 13,3 triệu tấn, tăng 6,3%. Tổng số hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 704,7 triệu tấn.km, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến như hiện nay, giao dịch online ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực thông qua các ứng dụng miễn phí như Zalo, Messenger,... do đó ảnh hưởng đến doanh thu viễn thông. Doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm ước tính đạt 432 tỷ đồng tăng 0,6% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ vùng có dịch qua các phương tiện giao thông công cộng cao nên lượt khách du lịch đến Quảng Bình giảm, kéo theo doanh thu lưu trú và du lịch lữ hành giảm mạnh so với cùng kỳ. Do đó, nhiều cơ sở kinh doanh lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Doanh thu dịch vụ lưu trú 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 72,5 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ. Số lượt khách lưu trú 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 205.181 lượt khách, giảm 28,6%; số lượt khách quốc tế lưu trú 6 tháng năm 2021 ước tính đạt 5.182 lượt khách, giảm 83,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ ăn uống: Sáu tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các cơ sở kinh doanh hoạt động đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định 5K, mặt khác người dân lựa chọn đặt hàng online, đưa hàng tại nhà ngày càng nhiều. Do đó doanh thu dịch vụ ăn uống 6 tháng năm 2021 ước tính đạt 1.683,1 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 55,8 tỷ đồng, giảm 33,8% so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch lữ hành 6 tháng năm 2021 ước tính đạt 96.803 lượt khách, giảm 57,0% so với cùng kỳ; trong đó, số lượt khách quốc tế lữ hành đạt 3.752 lượt khách, giảm 87,9% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ khác

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác 6 tháng năm 2021 ước tính đạt 808,3 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm dịch vụ kinh doanh bất động đạt 235,1 tỷ đồng, tăng 16,0% so với cùng kỳ, cao nhất trong các nhóm dịch vụ, nguyên nhân do đầu năm 2021 nhiều dự án đất phân lô được mở bán, giá đất tăng cao đột biến, đóng góp 4,5% trong tổng mức tăng chung của doanh thu hoạt động dịch vụ khác.

6. Tài chính, ngân hàng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên huy động vốn, dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt khá, nhiều khoản thu tăng cao, như: thu ngoài quốc doanh, thu thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thu tiền cấp đất, thu thuế bảo vệ môi trường, thu từ xuất nhập khẩu. UBND tỉnh đã chỉ đạo quản lý chi tiêu chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ đầu năm gắn với việc triển khai công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp; điều hành chi ngân sách cơ bản theo dự toán, đảm bảo kịp thời hoạt động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 3.476,2 tỷ đồng, bằng 64,0% dự toán địa phương giao, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

          + Thu nội địa đạt 3.096,2 tỷ đồng, bằng 62,8% dự toán địa phương giao, tăng 11,7 so với cùng kỳ năm trước.

          + Thu thuế xuất nhập khẩu đạt 380 tỷ đồng, bằng 76% dự toán địa phương giao, tăng 358% so với cùng kỳ năm trước.

- Chi ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 5.691,7 tỷ đồng, đạt 46,4% dự toán địa phương giao.

- Huy động vốn: Ước tính đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 48.980 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm.

- Dư nợ tín dụng: Ước tính đến 30/6/2021, dư nợ đạt 64.650 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm.

7. Đầu tư và xây dựng

Hoạt động đầu tư và xây dựng trên toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 có mức tăng khá so với cùng kỳ. Bên cạnh việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 thì công tác giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh quan tâm. Cùng với đó, hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở khu vực hộ dân cư tăng khá mạnh so với cùng kỳ, nhờ đó hoạt động đầu xây dựng thực hiện trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 ước tính thực hiện 10.636,6 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước thực hiện 1.704,6 tỷ đồng, tăng 18,2%; vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 263,9 tỷ đồng, giảm 5,9%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước thực hiện 50,9 tỷ đồng, giảm 32,7%; vốn vay từ các nguồn khác của khu vực Nhà nước thực hiện 91,4 tỷ đồng, tăng 5,5%; vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 14,8 tỷ đồng, giảm 37,6%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân thực hiện 8.421,0 tỷ đồng, tăng 11,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 44,0 tỷ đồng, giảm 68,6%.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh 2010) ước tính thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5.276,1 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

8. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Sáu tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, đời sống sản xuất của Nhân dân, tuy nhiên nhờ thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ cùng với chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá, do đó giá cả tăng không đáng kể.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2021 chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,10% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 1,02%; nhóm dịch vụ tăng 1,23%).

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước. Giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 5.330 nghìn đồng/chỉ, tăng 17,71% so với cùng kỳ.

Giá đô la Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 22.950 đồng/USD, giảm 1,08% so với cùng kỳ.

9. Một số lĩnh vực xã hội

a. Lao động và việc làm

Sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 12.324 lao động (đạt 68,5% kế hoạch năm), giảm 521 lao động so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 là 12.845 lao động). Nguyên nhân giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể một số cơ sở nhỏ lẻ.

b. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm tuy chịu tác động và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của Nhân dân nên nhìn chung đời sống dân cư của tỉnh được đảm bảo, tình hình thiếu đói trong khu vực nông thôn chưa xảy ra. Thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương hiện nay cơ bản ổn định.

c. Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao

- Về giáo dục

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Có 151/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (đạt 100%) và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (đạt 100%). Hiện nay, tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Phổ cập giáo dục tiểu học: Có 151/151 xã, phường, thị trấn và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Có 151/151 xã, phường, thị trấn và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Xóa mù chữ: Có 151/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên; trong đó có 150/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 99,34%); 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 41 thí sinh đoạt giải, trong đó: 9 giải nhì, 12 giải ba và 20 giải khuyến khích. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình có được số lượng học sinh đạt giải nhiều nhất.

- Về y tế

Tình hình dịch bệnh: Năm tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 40 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 1.015 trường hợp tiêu chảy; 33 trường hợp viêm gan vi rút khác; 338 trường hợp thủy đậu; 14 trường hợp quai bị; 2.442 trường hợp cúm; 18 trường hợp lỵ trực trùng; 2 trường hợp sốt rét; 6 trường hợp lỵ amip; 12 trường hợp tay-chân-miệng; 1 trường hợp viêm gan virut B; 4 trường hợp lao phổi. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, tính đến thời điểm ngày 27/6/2021 tổng số người hiện đang cách ly tập trung là 155 người trong đó, tại Trường Quân sự tỉnh cũ 29 người, tại UBND xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch) 24 người, Trường Dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh 44 người, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình 04 người, trụ sở Ban chỉ huy quân sự huyện Tuyên Hóa cũ 53, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa 01 người. Tổng số người theo dõi, cách ly tại nhà là 8.938 người, trong đó dưới 14 ngày là 1.699 người. Tổng số mẫu xét nghiệm 8.031 cho kết quả có 7.713 người âm tính, 1 mẫu tái dương tính, 317 mẫu đang chờ.

Tình hình sốt rét: Năm tháng đầu năm 2021, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 295 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh 2 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 16.459 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,01%.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Năm tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh phát hiện 12 người nhiễm mới HIV, 11 người chuyển sang AIDS, 6 người tử vong do AIDS. Tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.498 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 533 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 154 người.

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Năm tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 10 ca mắc, trong đó: 1 vụ ở xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) với 03 ca mắc; 1 vụ ở xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) với 2 ca mắc và 1 vụ ở xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) với 5 ca mắc, các bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nên không có tử vong, ngoài ra còn có 78 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

- Về văn hoá

Sáu tháng đầu năm 2021, các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân đã tạo không khí vui tươi trong Nhân dân, nổi lên là chương trình đếm ngược chào năm mới 2021 (Phong Nha Countdown Party) với các màn biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc điện tử (EDM) vô cùng sôi động; chương trình nghệ thuật “Sáng mãi niềm tin theo Đảng” chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2021).

Các hoạt động tuyên truyền bề nổi thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh vào các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước như kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5), 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) đã được tăng cường tổ chức.

Sở Văn hóa và Thể thao đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động trực quan bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tạo không khí tươi mới, hào hứng để mỗi người dân phát huy tinh thần, trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử.

- Về thể thao

Các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng sáu tháng đầu năm 2021 vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Một số hoạt động nổi bật như: giải Marathon khám phá Quảng Bình (Quảng Bình Discovery Marathon-2021); giải bóng chuyền Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình lần thứ IX; giải thể thao Online “MobiRun Quang Binh” lần thứ II năm 2021 đã thu hút được 619 vận động viên trên địa bàn toàn tỉnh tham dự.

Thể thao thành tích cao đã giành được 32 huy chương các loại, trong đó 06 HCV, 11 HCB, 15 HCĐ. Cụ thể: giải Karate miền Trung - Tây Nguyên tại Nghệ An đạt 03 HCV, 06 HCB, 11 HCĐ; giải Bơi và Lặn vô địch quốc gia bể 25m tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Bơi đạt 02 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ;  Lặn đạt 01 HCV, 03 HCB, 01 HCĐ; giải Bi sắt vô địch quốc gia tại Vũng Tàu đạt 01 HCĐ; giải Canoing vô địch các CLB toàn quốc đạt 01 HCB, 01 HCĐ

d. Tai nạn giao thông

Sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 84 vụ tai nạn giao thông, tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đường bộ 84 vụ, tăng 24 vụ so với cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, giảm 1 vụ so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 59 người, tăng 29 người so cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 59 người, tăng 29 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 63 người, tăng 12 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 63 người, tăng 13 người so với cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, giảm 1 người so với cùng kỳ; đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2020.

e. Thiệt hại do thiên tai và cháy nổ

- Thiệt hại do thiên tai

Sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ thiên tai, ước tính tổng giá trị thiệt hại là 13.333 triệu đồng; trong đó, 1 vụ rét đậm rét hại vào giữa tháng 01/2021, đã làm cho 288 ha lúa phải gieo lại; 318 con gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại ước tính 4.841 triệu đồng; 1 vụ mưa kèm gió lớn vào cuối tháng 4/2021, đã làm cho 2.654,8 ha lúa chín sắp thu hoạch, 162,3 ha diện tích hoa màu bị gãy đổ, ước tính thiệt hại 8.422 triệu đồng; 1 vụ sét đánh cháy nhà tại Bản Mới, xã Lâm Thủy vào giữa tháng 5/2021, ước tính thiệt hại 70 triệu.

- Thiệt hại do cháy nổ

Sáu tháng năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy với giá trị thiệt hại 5.592,5 triệu đồng, trong đó, cháy nhà đơn lẻ 3 vụ với giá trị thiệt hại 566,5 triệu đồng, cháy phương tiện giao thông vận tải 4 vụ với giá trị thiệt hại 2.180 triệu đồng, cháy loại hình khác 3 vụ với giá trị thiệt hại 2.846 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy nổ giảm 2 vụ, giá trị thiệt hại tăng 1.994,5 triệu đồng.

III. Giải pháp trong thời gian tới

Để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, 6 tháng còn lại, tỉnh cần thực hiện tốt những vấn đề sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương liên quan trong phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động Nhân dân thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đặc biệt là thực hiện thông điệp 5K + vắc xin của Bộ Y tế; đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19,... Tiếp tục kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp Nhân dân tham gia ủng hộ vật chất, tinh thần hỗ trợ công tác phòng, chống và mua vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm Nhân dân được tiêm phòng sớm nhất;

Hai là, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu đúng thời vụ, đảm bảo đủ nước sản xuất, đồng thời xây dựng phương án tưới, chống hạn, đảm bảm nước cho sản xuất Hè Thu. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò;

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Chú trọng công tác rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, hướng dẫn các thủ tục về chính sách đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chú trọng những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy giải quyết, tháo gỡ khó khăn để các cơ sở sản xuất công nghiệp sản xuất ổn định, phát huy hiệu quả tốt trong điều kiện dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại, buôn bán hàng giả. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, quản lý việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết;

Bốn làtiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn; tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; thực hiện giảm, hoãn, miễn các loại thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng;

Năm là, tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm; thực hiện quyết liệt, kiên quyết trấn áp, triệt phá tội phạm ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “tín dụng đen”, các loại tội phạm gây bức xúc xã hội./.

[Trở về]